Ê-kíp Góc nhìn VTC lội bùn đến vùng lũ quét Sơn La

Êkip của chương trình Góc nhìn đã có chuyến công tác để phản ánh về những khó khăn và việc khắc phục hậu quả sau lũ của các thầy cô giáo, học sinh ở Mường La, Sơn La. Biên tập viên Mây Trinh chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm đặc biệt trong chuyến đi này.

 * Trong chuyến công tác lần này, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

- Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Mường La. Dù lường trước việc ì ạch mấy tiếng đồng hồ mới có thể lên tới điểm trường nhưng tôi vẫn sốc. Bởi lẽ, ê-kíp rời thị trấn Mường La để lên Chiềng Muôn vào đúng ngày mưa gió. Trên đường đi thi thoảng phải dừng lại vì đất đá sạt lở chắn ngang đường, chưa kể tới nguy cơ đá lăn từ trên núi xuống. Quãng đường dài 30km nhưng xe ô tô chỉ đi được 1 đoạn, còn lại thầy giáo phải đi xe máy xuống đón. Tôi thậm chí còn ngã oạch ra đường nữa. Đến được nơi thì ai nấy đều ướt như chuột lột nhưng mà vẫn cười.

* Êkip chương trình gặp những khó khăn gì trong quá trình tác nghiệp?

- Khó khăn mà kể ra thì nhiều lắm: trục trặc kỹ thuật, xe hỏng giữa đường, đi bộ lếch thếch giữa trưa nắng 12 giờ. Thậm chí có hôm bạn quay phim phải đi chân đất để tác nghiệp  do giày vừa lội suối ướt sũng.

Nhưng chúng tôi đều tâm niệm đó là khó khăn chung, điều quan trọng là đã lên đến đây rồi thì cần cố gắng lên để vượt qua. Vì những vấn đề của cả nhóm thực ra lại chẳng đáng nói nếu so với sự vất vả của thầy cô nơi đây.

* Công tác khắc phục hậu quả bão lũ và chuẩn bị cho năm học mới tại các điểm trường như thế nào?

- Đại diện huyện Mường La khẳng định, bên cạnh đốc thúc việc xây nhà tái định cư thì xây dựng trường lớp, cung cấp đủ các trang thiết bị cho học sinh là 2 ưu tiên hàng đầu. Hiện nay công tác khắc phục hậu quả do cơn lũ  đêm mồng 2/8, rạng sáng 3/8 đã đạt 40-50%.

* Năm học mới đang đến gần, thầy trò tại các điểm sạt lở đã phải vượt qua và khắc phục những khó khăn gì?

- Nếu so với khó khăn của thầy cô thì khó khăn của ê-kíp chỉ là "muỗi". Sau cơn lũ, tất cả còn lại chỉ là bùn đất, đá nham nhở…thiết bị trong trường thì hỏng hóc gần hết. Khi đấy, các thầy cô giáo lại là người xắn tay áo, lội bùn dọn dẹp trường. Thầy cô có những bữa ăn rất vội và thức ăn chủ yếu là nắm xôi các cô mang đi từ sáng. Vất vả khó khăn là thế nhưng các thầy cô không bao giờ kêu ca điều gì.

* Chị có thể chia sẻ điểm nhấn về chương trình "Góc nhìn" lần này?

- Chương trình Góc nhìn lần này được phát sóng vào đúng ngày 2/9, gần ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Vì thế, trọng tâm của chương trình vẫn là sự nỗ lực hết mình với sự nghiệp trồng người của giáo viên vùng cao, cũng như lòng ham học của chính các em học sinh nơi đây. Đặc biệt sự hồi sinh sau cơn lũ của một vùng đất tưởng chừng như sẽ trở thành vùng đất chết.

Bạn sẽ gặp ở đó câu chuyện của những thầy giáo trẻ từ miền xuôi lên dạy tại các điểm trường không điện, không sóng điện thoại, gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Bạn cũng gặp ở đó có những giáo viên cần mẫn suốt mấy chục năm kiên trì bám làng, bám bản... Và bạn cũng sẽ gặp ở đó những cô, cậu bé người Thái, người Mông....đi bộ hàng chục km để cốt được đến gần hơn với "cái chữ".

* Hình ảnh gây ấn tượng mạnh với Mây Trinh trong lần tác nghiệp này?

-  Hình ảnh anh Cà Văn Uẩn, dân tộc Thái ngồi bất động, hướng đôi mắt gần như vô hồn nhìn ra ngoài. Xung quanh anh là một công trường nham nhở, những viên đá lởm chởm. Đâu đó người ta có thể nhìn thấy một vài tấm chăn, chiếc chiếu hoặc bộ quần áo, những thứ để thể hiện rằng nơi đây từng có sự tồn tại của con người.

Chiếc lán của anh được dựng vội bằng những tấm bạt gần sát nền ngôi nhà cũ. Trong góc của chiếc lán ấy là 3 bát hương, phía trước lèo tèo một vài gói bánh, dăm thẻ hương. 3 bát hương, một của vợ anh, một của con trai anh vừa học xong lớp 7 và một của con gái anh, cô bé năm nay mới 5 tuổi. Không di ảnh, không vòng hoa, câu đối. Tất cả chỉ có thể, đó là những gì anh ấy còn lại sau cơn lũ.

Cái hình ảnh 3 bát hương “gói ghém” trong góc lán ấy cho đến giờ vẫn cứ mãi là một điều gì đó ám ảnh với tôi.

* Những người thực hiện chương trình muốn truyền tải thông điệp gì đến khán giả?

- Sau khi xem xong chương trình, điều mong mỏi lớn nhất của ê-kíp Góc nhìn là khán giả có thể hiểu được sự hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo vùng lũ. Họ cũng là những người đã phải gồng lên để chống chọi với cơn lũ, gồng lên để vực dậy sau cơn lũ và gồng lên từng ngày, từng giờ, từng phút để đem con chữ đến gần hơn với trẻ em vùng cao. Cá nhân tôi, qua chương trình chỉ hy vọng rằng có thể chia sẻ dù chỉ chút ít thôi với những thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây.

Chương trình Góc nhìn với chủ đề “Vùng cao vào năm học mới” sẽ lên sóng 9h ngày 02/09/2017 trên VTC1 và Youtube/Facebook VTC1 - Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC. 

Thanh Tú